Cầm trên tay bộ chứng từ đầu vào, khi nào hạch toán loại 1,2 , khi nào hạch toán loại 6,8

LÀM SAO GHI NHẬN ĐÚNG CHI PHÍ (621;622;623;627;632;635;641;642;811;8211) VÀ TÀI SẢN (LOẠI 1,2) KHI CẦM TRÊN TAY BỘ CHỨNG TỪ ĐẦU VÀO

Như vậy là các bạn đã biết định nghĩa được tài khoản loại 1,2 và tài khoản loại 6,8 ở chương 3 rồi. Tuy nhiên, tại chương 3 mới nói chung cho các bạn nắm. Ở chương 4 này, tôi sẽ chỉ cho bạn Bí quyết khi cầm trên tay bộ chứng từ đầu vào thì làm sao phân biệt được ghi những tài khoản chi phí nào (621;622;623;627;632;635;641;642;811;8211) với việc ghi nhận tài sản loại 1,2. Các bạn đọc bài này theo trình tự là các bạn sẽ biết nhé.

➤➤Đầu tiên: Khi đi làm thì Kế toán luôn cầm trên tay 2 bộ chứng từ. Một là bộ chứng từ đầu ra. Hai là bộ chứng từ đầu vào. Bộ chứng từ đầu ra hay Bộ chứng từ đầu vào đều luôn luôn có Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là hóa đơn có dòng thuế suất hoặc Hóa đơn bán hàng là hóa đơn không có dòng thuế suất hoặc những hóa đặc thù khác. Đây là những loại hóa đơn sẽ được thuế chấp nhận để tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn nếu nghiệp vụ mà không có những loại chứng từ như tôi nói bên trên là thuế sẽ không chấp nhận chi phí (Khi học đến phần thuế, chúng ta sẽ đi sâu hơn. Còn bây giờ các bạn chấp nhận là bộ chứng từ đầu vào hay đầu ra thì bắt buộc phải có hóa đơn GTGT hoặc bán hàng hoặc hóa đặc thù). Bên cạnh đó sẽ có thêm những chứng từ gốc kèm theo (hợp đồng kinh tế, biên bản bàn giao….) tùy theo mỗi nghiệp vụ mà sẽ có những chứng từ gốc kèm theo khác nhau. Miễn sao là nhìn vào bộ chứng từ chúng ta đọc hiểu toàn bộ nghiệp vụ thì bộ chứng từ đó đầy đủ

➤➤VẬY NẾU LÀ BỘ CHỨNG TỪ ĐẦU RA THÌ LUÔN LUÔN GHI 2 NGHIỆP VỤ (Tại sao phải ghi 2 nghiệp vụ doanh thu và giá vốn có thể giải thích ngắn gọn thế này: Khi chúng ta bán ra thì 100% là chúng ta biết lời hay lỗ, muốn biết lời hay lỗ thì lấy giá bán trừ đi giá vốn. Giá bán gọi là doanh thu và giá vốn gọi là chi phí (Luôn nhớ điều này)
Dựa vào bộ chứng từ gốc là hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng kèm theo 1 số chứng từ gốc khác (Biên bản bàn giao+hợp đồng kinh tế), kế toán lập chứng từ ghi sổ là Phiếu kế toán phải thu để ghi nghiệp vụ sau:

Nghiệp vụ 1: Doanh thu và Thu nhập khác
Nợ 131: Khoản phải thu khách hàng
Có 511: Giá bán *Số lượng
Có 33311: Thuế suất *Đơn Giá bán*Số lượng (Nếu có, Nếu là hóa đơn bán hàng thì sẽ không hạch toán Có 33311 vì hóa đơn bán hàng không có dòng thuế suất như các bạn thấy mẫu hóa đơn bên trên)

Nghiệp vụ 2: Giá vốn hàng bán (Dựa vào bộ chứng từ gốc là hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng kèm theo 1 số chứng từ gốc khác (Biên bản bàn giao+hợp đồng kinh tế), kế toán lập chứng từ ghi sổ là Phiếu xuất kho để ghi nghiệp vụ sau:

Nợ 632: Số lượng * Đơn giá xuất kho
Có 155;156 Số lượng * Đơn giá xuất kho
Hoặc Có 154 (Áp dụng cho Công ty dịch vụ..)

➤➤CÒN BỘ CHỨNG TỪ ĐẦU VÀO thì luôn luôn ghi như sau:
Dựa vào bộ chứng từ gốc luôn có hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn đặc thù, kèm theo 1 số chứng từ gốc khác như hợp đồng kinh tế, biên bản bàn giao=> Kế toán lập chứng từ ghi sổ là Phiếu chi, Giấy báo có, Phiếu nhập kho, Phiếu kế toán phải trả…, ghi nhận nghiệp vụ sau:

Nợ 15* (Nhóm 15 gồm 151;152;153;1561); Nợ 211;Nợ 242;Nợ 241;Nợ 213
Nợ Nợ 621; Nợ 623; Nợ 627; Nợ 641;Nợ 642
Nợ 133 (1;2)
Có 111;112;331
(Còn bộ chứng từ đầu vào của kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương thì nó khác, nó không phải là hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng mà nó là Quy chế lương, Bảng lương, Bảng chấm công , Hợp đồng lao động, chúng ta không bàn cách hạch toán tiền lương và các khoản trích theo lương tại chương này. Chúng ta sẽ có 1 chương chuyên về kế toán tiền lương và các khoản trích theo lương lúc đó chúng ta sẽ học kỷ hơn về bộ chứng từ cũng như cách hạch toán…)

Vậy vấn đề đặt ra là khi nào ghi tài khoản loại 1;2 và khi nào ghi tài khoản loại 6;8 ????

Muốn ghi nhận đúng LÀ TÀI SẢN (Loại 1;2); hay LÀ CHI PHÍ (Loại 6-8) thì chúng ta phải BIẾT ĐỊNH NGHĨA CỦA TỪNG LOẠI . Khi đã định nghĩa được từng loại rồi thì vấn đề ghi vào tài khoản 1;2 hay 6;8 trở nên dễ dàng.

a/ ĐỊNH NGHĨA TÀI SẢN (LOẠI 1VÀ 2):Là nguồn lực do doanh nghiệp kiểm soát và có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai.
Thông thường khi các bạn mua thiếu hoặc bỏ tiền ra để mua thì giá trị mua đó chỉ có thể hạch toán là chi phí hoặc tài sản thôi. Nếu mà giá trị mua đó mang lại lợi ích cho 1tháng thì nó là chi phí, còn nếu mang lại lợi ích cho nhiều tháng là ghi nhận tài sản.

=>>NHƯ VẬY KHI CÁC BẠN BỎ TIỀN RA MÀ KHÔNG MANG LẠI LỢI ÍCH KINH TẾ TRONG TƯƠNG LAI THÌ GHI NHẬN NGAY VÀO CHI PHÍ (LOẠI 6-8). CÒN NẾU MANG LẠI LỢI ÍCH KINH TẾ TRONG TƯƠNG LẠI THÌ GHI NHẬN VÀO LOẠI 1-2. Nên vấn đề mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai thì phải tính lớn hơn 1 tháng.

  • Ví dụ 1: Chi phí tiền điện, tiền lương, tiền nước, tiền internet… phát sinh trong THÁNG 1/2017 thì sẽ ghi nhận ngay vào CHI PHÍ (LOẠI 6;8) CỦA THÁNG 1/2017 (Vì nó chỉ mang lại lợi ích kinh tế của THÁNG 1/2017). Không thể ghi nhận vào TÀI SẢN (LOẠI 1-2) được vì nó không mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai (từ THÁNG 2/2017 trở đi)
  • Ví dụ 2: Cty TNHH đào tạo ABC. Tháng 1/2017 bỏ tiền ra để mua xe ô tô thì chiếc xe ô tô trị giá 2 tỷ. Thì tại tháng 1/2017 sẽ ghi nhận chiếc xe ô tô này vào LOẠI 1;2 (TÀI SẢN) mà không thể nào ghi nhận vào LOẠI 6;8 (CHI PHÍ) được. VÌ CHIẾC XE Ô TÔ NÀY MANG LẠI LỢI ÍCH KINH TẾ CHO TƯƠNG LAI (từ tháng 2/2017 trở đi ,cho rất nhiều tháng sau, vì những tháng sau vẫn còn sử dụng và cũng mang lại lợi ích kinh tế)
  • Ví dụ 3: ngày 1/1/2018 trả trước tiền thuê nhà cho chủ nhà 3 tháng là 30 triệu bằng chuyển khoản. Biết rằng 1 tháng thuê nhà là 10 triệu. Thì tại ngày 1/1/2018 chúng ta trả tiền thuê nhà chúng ta sẽ ghi vào loại 1,2 mà không thể nào ghi vào chi phí của tháng 1/2018 được, bởi vì chúng ta trả tiền thuê nhà cho 3 tháng thì nó mang lại lợi ích kinh tế cho ba tháng. Và cuối mỗi tháng thì chúng ta sẽ đưa vào chi phí là 10 triệu vì 10 triệu mỗi tháng là chi phí mang lại lợi ích cho từng tháng.
  • Ví dụ 4:Ngày 2/2/2018 Bỏ tiền ra để mua cái máy laptop Sony Vaio 20 triệu thì chiếc máy tính sony vaio sẽ ghi nhận vào tài sản 1,2 mà không ghi nhận chi phí (Vì nó mang lại lợi ích cho nhiều tháng, mang lại lợi ích tháng 2,3,4….có thể mang lại lợi ích cho 5 năm).

Vậy là chúng ta đã biết cách sử dụng tài khoản nhóm 1;2 và tài khoản nhóm 6;8 rồi đúng không. Ở bài này tôi sẽ hướng dẫn các bạn khi nào thì sử dụng tài khoản 621;622;623;627;632;635;641;642;811;8211 còn về cách hạch toán chi tiết của từng tài khoản nào như thế nào thì các bạn có thể xem cụ thể từng nghiệp vụ trong thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 trước để tham khảo. Còn đi vào hạch toán chi tiết từng nghiệp vụ của từng tài khoản, sau này chúng ta sẽ được học trong chương kế toán bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng như chương kế toán giá thành sẽ nói kỹ từng nghiệp vụ. Trước khi đi vào học cách ghi nhận từng tài khoản chi phí cụ thể. Tôi muốn nhắc lại vể mặt tính chất ghi sổ nợ có của nhóm tài khoản loại 6,8 này để ôn lại bài 1 tí cho các bạn nắm trước khi vào cụ thể của từng tài khoản

Nhóm tính chất ghi sổ nợ và có của 6,8 mà cuối tháng kết chuyển vào 911 để xác định kết quả kinh doanh

Nhóm tính chất ghi sổ nợ và có của 6 mà cuối tháng kết chuyển vào 154 để tính giá thành.  Phần này chúng ta sẽ được nói cụ thể hơn trong chương kế toán giá thành. Còn tạm thời các bạn chấp nhận như vậy nhé

Tài khoản 621 (Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp) thường áp dụng cho công ty sản xuất và Công ty dịch vụ trong đó có Công ty xây dựng: Luôn luôn Ghi Nợ 621 Có 152 (Xuất nguyên liệu ra để sản xuất, tức là nguyên liệu đã bị biến dạng khi tham gia vào quá trình sản xuất thành nó sẽ chuyển thành chi phí). Ví dụ Công ty sản xuất bánh bông lan trứng muốn thì khi Cty mua trứng, bột, đường, sữa thì nhập kho ghi vào Nợ 152 (Nguyên vật liệu). Khi xuất bột, trứng, đường, sữa ra để sản xuất thì ghi 

Nợ 621 (Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp) 
Có 152 (Nguyên vật liệu): Số lượng * Đơn giá xuất kho. 
(Bộ chứng từ để ghi nghiệp vụ này là Chứng từ ghi sổ Phiếu xuất kho kèm theo chứng từ gốc là Giấy đề nghị xuất nguyên vật liệu)

Tài khoản 622 (Chi phí nhân công trực tiếp): Áp dụng cho Công ty sản xuất, Công ty dịch vụ trong đó có xây dựng. Tức là người trực tiếp làm ra sản phẩm của Công ty. Khi công ty đã có nguyên vật liệu rồi thì phải có con người mới làm ra được sản phẩm. Vậy tiền lương phải trả cho công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm ghi 
Nợ 622 (Chi phí nhân công trực tiếp) 
Có 334(Phải trả người lao động) 
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này là Phiếu kế toán phải trả người lao động kèm theo bộ chứng từ gốc là Bảng lương+Bảng chấm công+Hợp đồng lao động+Quy chế tính lương tính thưởng)

Lưu ý:Ngoài ra liên quan đến tiền lương phải trả người lao động thì các bạn phải trích Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Qua phần lương chúng ta sẽ học về nghiệp vụ này cách tính như thế nào, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội ra làm sao.., nhưng ở đây tôi nhắc luôn cho các bạn nhớ về cách sử dụng của tài khoản 622 ngoài vấn đề Nợ 622 Có 334 thì có nghiệp vụ liên quan đến Nợ 622 có những tài khoản liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN, cụ thể như sau:
Nợ 622 (Chi phí nhân công trực tiếp)
Có 3383 (Bảo hiểm xã hội)
Có 3384 (Bảo hiểm y tế)
Có 3386 (Bảo hiểm thất nghiệp)
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này là Phiếu kế toán phải trả cho BHXH+Kèm theo chứng từ gốc là Bảng tính BHXH, BHYT, BHTN)

Tài khoản 623 (Chi phí sử dụng máy thi công): Áp dụng cho doanh nghiệp xây lắp công trình. Tài khoản này có tài khoản cấp 2. Vì vậy khi ghi sổ thì chúng ta ghi tài khoản cấp 2. Muốn biết cách sử dụng từ tài khoản cấp 2 thì đọc TT200 hoặc lên google gõ từ “Tài khoản 623 để tải về”. Cách tải như thế nào, các bạn có thể xem phần tài khoản 627 tôi có nói rõ cách làm
Nợ 623 (chi tiết tài khoản), Nợ 1331 (Thuế GTGT được khấu trừ) 
Có những tài khoản liên quan 111;112;331
Hoặc có 334 Hoặc có 3383,3384,3386….
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này rất nhiều nên tôi không nhắc ở đây, các bạn nhìn thấy cách hạch toán là các bạn cũng hiểu rồi rất nhiều tài khoản, về cách hạch toán từng nghiệp vụ này như thế nào các bạn có thể xem chi tiết trong thông tư 200/2014/TT-BTC)

Tài khoản 627 (Chi phí sản xuất chung): Áp dụng cho công ty sản xuất, công ty dịch vụ trong đó có Công ty xây dựng, chi phí dùng cho phân xưởng sản xuất ra sản phẩm. Công ty nào mà sản xuất có phân xưởng thì toàn bộ chi phí ở dưới phân xưởng phát sinh thì ghi vào 627 (Ví dụ như chi phí nhân viên quản đốc phân xưởng; Chi phí thuê xưởng, chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí điện, nước, chi phí xăng dầu…)

•    Nhưng 627 có tài khoản cấp 2, vậy khi ghi nợ có thì chúng ta phải ghi tài khoản cấp 2. Muốn biết ghi tài khoản cấp 2 nào thì chúng ta cần phải xem sách thông tư 200 hoặc google gõ từ khóa “tài khoản 627 là nó hiện ra niceaccouting.com, các bạn bấm vào để học hoặc làm bài tập của tất cả các sách của Thầy Hải Bùi là các bạn biết hạch toán nợ có. Hạch toán nợ có rất đơn giản không có gì là khó cả, tin tôi đi, cứ học bài lý thuyết đầy đủ, sau đó làm bài tập là 100% biết hạch toán nợ có. Nhưng biết hạch toán nợ có là phần đầu của người làm kế toán thôi. Qua những chương sau tôi sẽ chỉ cho các bạn bí quyết muốn làm được kế toán phải bắt đầu từ đâu chứ không chỉ biết hạch toán nợ và có.
 
Nợ 627 (chi tiết tài khoản), Nợ 1331 (Thuế GTGT được khấu trừ) 
Có những tài khoản liên quan 111;112;331
Hoặc có 334 Hoặc có 3383,3384,3386….
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này rất nhiều nên tôi không nhắc ở đây, các bạn nhìn thấy cách hạch toán là các bạn cũng hiểu rồi rất nhiều tài khoản, về cách hạch toán từng nghiệp vụ này như thế nào các bạn có thể xem chi tiết trong thông tư 200/2014/TT-BTC)

Tôi chỉ có các bạn lên goolge tải tài khoản 627 để học tài khoản chi tiết nhé: Ví dụ các bạn lên google bấm chữ tài khoản 627 nó sẽ hiện ra trang web sau:

Sau khi bấm vào bước 2 thì nó hiện ra web và chúng ta sẽ thấy nội dụng chi tiết của tài khoản cấp 2 như sau:

•    Nguyên tắc kế toán của tài khoản 627: Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí phục vụ sản xuất, kinh doanh chung phát sinh ở phân xưởng, bộ phận, đội, công trường,...phục vụ sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, gồm: Chi phí lương nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận, đội; Khầu hao TSCĐ sử dụng trực tiếp để sản xuất, Khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định trên tiền lương phải trả của nhân viên phân xưởng, bộ phận, đội sản xuất và các chi phí có liên quan trực tiếp khác đên phân xưởng; 

Tài khoản 627 - Chi phí sản xuất chung, có 6 tài khoản cấp 2: 
- Tài khoản 6271 - Chi phí nhân viên phân xưởng: Phản ánh các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận sản xuất; tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, phân xưởng, bộ phận sản xuất; khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6272 - Chi phí vật liệu: Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng cho phân xưởng, như vật liệu dùng để sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ, công cụ, dụng cụ thuộc phân xưởng quản lý và sử dụng, chi phí lán trại tạm thời,...
- Tài khoản 6273 - Chi phí dụng cụ sản xuất: Phản ánh chi phí về công cụ, dụng cụ xuất dùng cho hoạt động quản lý của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6274 - Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ và TSCĐ dùng chung cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6277 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận sản xuất như: Chi phí sửa chữa, chi phí thuê ngoài, chi phí điện, nước, điện thoại, tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ (đối với doanh nghiệp xây lắp).
- Tài khoản 6278 - Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí đã kể trên phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất.

☛☛Như vậy, là chúng ta đã thấy nội dung chi tiết của từng tài khoản con rồi đúng không nào: Ví dụ tài khoản 6271 là toàn bộ tiền lương của nhân viên quản lý phân xưởng (tức là mấy ông quản đốc phân xưởng không phải là mấy ông công nhân trực tiếp làm sản phẩm, mấy ông công nhân trực tiếp làm sản phẩm là các bạn sử dụng tài khoản 622 rồi..). Hay tài khoàn 6274 liên quan đến chi phí khấu hao của tài sản cố định phục vụ cho phân xưởng đó. Khi học đến phần tài sản cố định các bạn sẽ hiểu rõ chi phí khấu hao là gì.

☛☛Lưu ý: giữa các tài khoản con nào mà đích danh thì khi đi làm chúng ta hạch toán đúng những tài khoản con mà đích danh ví dụ 6271 và 6274..mục đích là để phân tích chi phí giữa 2 kỳ. Còn những tài khoản mà chung chung không đích danh thì chúng ta hạch toán lẫn lộn giữa các tài khoản con cũng không sao ví dụ tài khoản 6277 và 6278 (chưa thể phân biệt rõ ràng giữa 2 tài khoản này)

Tài khoản 632 (Giá vốn hàng bán), loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này: Tài khoản này chỉ xảy ra khi chúng ta bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng tức là nó luôn đi cùng với tài khoản 511. Một giao dịch bán hàng và cung cấp dịch vụ hoàn thành luôn ghi 2 nghiệp vụ: Doanh thu và Giá vốn. Đối với nghiệp vụ Giá vốn các bạn ghi 
Nợ 632 (Giá vốn hàng bán) 
Có TK 155 (Thành phẩm), Có 1561 (Hàng hóa):Số lượng *Đơn giá xuất kho
Hoặc Có 154 (chi phí SXKD dở dang): 
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này là phiếu xuất kho kèm theo chứng từ gốc là hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng+kèm theo sau là hợp đồng kinh tế+biên bản bàn giao hàng hóa)

Tài khoản 635 (Chi phí tài chính),loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này: Liên quan đến chi phí lãi vay (Lãi vay ngân hàng, lãi vay cá nhân, lãi vay công ty, ngoài ra còn rất nhiều khoản chi phí khác để ghi vào 635 nữa (Ví dụ như chi phí chiết khấu thanh toán cho khách hàng hưởng, lỗ chênh lệch tỷ giá lúc thanh toán, lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại cuối năm…Các bạn muốn biết ghi vào 635 gồm những tài khoản nào nữa thì chúng ta cần phải xem sách thông tư 200 để các bạn sẽ hiểu rõ hơn
Nợ 635
Có 111,112,335…
(Bộ chứng từ của nghiệp vụ này gồm rất nhiều nên không thể liệt kệ ra hết ở tài khoản này. Tôi chỉ có thể nói 1 trường hợp là lài vay thì phải có chứng từ gốc là bảng tính lãi vay hàng tháng+kèm theo hợp đồng vay hoặc khế ước vay=> Từ đó sẽ lập chứng từ ghi sổ tương ứng)

Tài khoản 641 (Chi phí bán hàng) loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này:Là những khoản chi phí liên quan đến việc bán hàng thì chúng ta hạch toán hết vào đây (Tức là để bán được hàng phải tốn chi phí này). Ví dụ khi khi bán hàng thì chúng ta tốn những khoản chi phí quảng cáo; Chi phí hoa hồng môi giới, chi phí vận chuyển hàng đi bán, ngoài ra chúng ta còn phải tốn những khoản chi phí cố định cho bộ phận bán hàng thì chúng ta cũng hạch toán vào tài khoản 641 (ví dụ chi phí tiền lương của bộ phận bán hàng; Chi phí dụng cụ của bộ phận bán hàng, chi phí tiền điện của bộ phận bán hàng).

=>Tài khoản này có tài khoản cấp 2. Khi đi làm các bạn phải hạch toán chi tiết của từng tài khoản chi phí bán hàng (Ví dụ 6411; 6412;6413;6414….). để hiểu rõ hơn nội dung của từng tài khoản con như thế nào thì các bạn có thể xem thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 để hiểu rõ hơn để hạch toán cho đúng từ tài khoản con (Cách download tài khoản cấp 2 này trên mạng thì xem cách làm của tài khoản 627 để biết cách làm)

Tài khoản 811 (Chi phí khác), loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này: Chi phí mà doanh nghiệp không mong muốn nó xảy ra. ngoài các hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ VD: chi phí thanh lý TSCĐ, chi phí liên quan đến vấn đề phạt vi phạm hợp đồng kinh tế, chi phí liên quan đến việc bán phế liệu, phế phẩm, chi phí bồi thường…phạt vi phạm thuế. Nói chung có chữ phạt và bồi thường thì chúng ta ghi hết vào 811

Tài khoản 8211 (Chi phí thuế TNDN hiện hành) loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này: Là chi phí thuế TNDN hiện hành chỉ phát sinh khi doanh nghiệp có số thuế TNDN phải nộp và luôn luôn hạch toán Nợ 8211 (Chi phí thuế TNDN hiện hành) Có 3334. Và được hạch toán vào cuối mỗi quý và cuối năm. Luôn luôn hạch toán

•    Định kỳ cuối mỗi quý thì ghi
Nợ 8211 (Chi phí thuế TNDN hiện hành)
Có 3334 (Thuế TNDN phải nộp)

•    Cuối năm thì ghi  (Trích thuế TNDN bổ sung phần đã tạm nộp trong năm)
Nợ 8211 (Chi phí thuế TNDN hiện hành)
Có 3334 (Thuế TNDN phải nộp)

•    Cuối năm mà số thuế phải nộp cuối năm nhỏ hơn số đã tạm nộp trong năm thì hạch toán như sau
Nợ 3334 (Thuế TNDN phải nộp)
Có 8211(Chi phí thuế TNDN hiện hành )

Tài khoản 642 (Chi phí quản lý doanh nghiệp) loại hình doanh nghiệp nào cũng sử dụng tài khoản này: Là những khoản chi phí liên quan đến quản lý thường là những khoản chi phí như sau: Chi phi tiền lương của bộ phận kế toán; Ban tổng giám đốc, bộ phận hành chính nhân sự; Bộ phận truyền thông… Chi phí khấu hao tài sản cố định của những bộ phận này. Hay nói cách khác là tài khoản 642 sử dụng khi cầm trên tay bộ chứng từ gốc đầu vào nếu không phải là các khoản chi phí 621;622;623;627;632;635;641;811;8211 thì sẽ hạch toán hết vào 642. 

=>> Khi đi làm các bạn phải hạch toán chi tiết của từng tài khoản chi phí quản lý doanh nghiệp (Ví dụ 6421;6422;6423;6424….).Để hiểu rõ hơn nội dung của từng tài khoản con như thế nào thì các bạn có thể xem thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2014 để hiểu rõ hơn để hạch toán cho đúng từ tài khoản con (Cách download tài khoản cấp 2 này trên mạng thì xem cách làm của tài khoản 627 để biết cách làm)

Hải Bùi (Người dám cho đi)
•    Tác giả Bộ sách “Bí kíp tự học kế toán từ người chưa biết trở thành người biết làm kế toán” bằng hình ảnh minh họa
•    Tác giả Bộ sách LẬP THỰC HÀNH KHAI BÁO THUẾ VÀ LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH
•    Tác giả Bộ sách TỔ CHỨC BỘ MÁY KẾ TOÁN CỦA CÔNG TY DỊCH VỤ SỬA CHỮA XE Ô TÔ.
•    Tác giả bộ sách BÀI TẬP VÀ BÀI GIẢI KẾ TOÁN CỦA CÔNG TY SẢN XUẤT 1 SẢN PHẨM
•    Tác giả bộ sách BÀI TẬP VÀ BÀI GIẢI KẾ TOÁN CỦA CÔNG TY SẢN XUẤT TÍNH GIÁ THÀNH THEO PHƯƠNG PHÁP HỆ SỐ
•    Tác giả bộ sách “HƯỚNG DẪN LÀM KẾ TOÁN TRÊN PHẦN MỀM MISA CỦA CÔNG TY THƯƠNG MẠI”
•    Tác giả bộ sách “HƯỚNG DẪN LÀM KẾ TOÁN TRÊN PHẦN MỀM MISA CỦA SẢN XUẤT TÍNH GIÁ THÀNH THEO PHƯƠNG PHÁP HỆ SỐ”
Like fanpage tự học kế toán và thuế để theo dõi những bài chia sẻ kế toán và thuế từ tôi mỗi lần tôi đăng bài
Tham gia group tự học kế toán và thuế để trao đổi trong quá trình đọc bộ sách
Bấm theo dõi Hải Bùi (Người dám cho đi) trên Facebook để theo dõi những tin tức về kế toán và thuế mới nhất.

Xem cách ghi nhận đúng tài khoản doanh thu (511;515;711) tại đây
 

LIÊN HỆ VỚI TÔI
Hotline hỗ trợ: 0914.540.423
Facebook (Hải Bùi): https://www.facebook.com/hai.bui.526
Group Facebook: tự học kế toán và thuế
Fanpage: https://www.facebook.com/tuhocketoanvathue/
Youtube: tự học kế toán
Email: buitanhai1610@gmail.com
Website bán sách tự học kế toán: www.sachketoan.org


 

TOP