Nghị định 105 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán

HẠCH TOÁN SAI TÀI KHOẢN, SỔ SÁCH THIẾU CHỮ KÝ... CƠ QUAN THUẾ PHÁT HIỆN CÓ ĐƯỢC QUYỀN PHẠT KHÔNG?


– Khi doanh nghiệp thanh kiểm tra thuế: cán bộ phát hiện kế toán hạch toán sai tài khoản, Công ty không có kế toán..? Và dọa sẽ phạt doanh nghiệp?
– Vậy cơ quan thuế có được phép ra văn bản phạt doanh nghiệp? hay một cơ quan khác đủ thẩm quyền để phạt doanh nghiệp
– Mức phạt cụ thể bao nhiêu cho hành vi vi phạm này?

Các sai sót thường hay gặp được trích trong nghị định 105 (Có hiệu lực 1/12/2013)

1.    Vi phạm về chứng từ (Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán..)
2.    Vi phạm sổ kế toán (Không ghi tên đơn vị, ngày tháng năm lập sổ..)
3.    Vi phạm tài khoản kế toán (Ví dụ hạch toán không đúng tài khoản kế toán..)
4.    Vi phạm về báo cáo tài chính (Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu báo cáo tài chính..)
5.    Vi phạm bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán (Hủy tài liệu kế toán khi chưa hết thời hạn quy định lưu trữ…)
6.    Vi phạm kiểm kê tài sản (Giả mạo, khai mang kết quả kiểm kê, không thực hiện kiểm kê vào cuối kỳ kế toan năm..)
7.    Vi phạm tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán (Không bố trí người làm kế toán, thuê tổ chức làm kế toán không đủ điều kiện…)
8.    Vi phạm hành nghề kế toán (hành nghề kế toán nhưng không đăng ký, cá nhân hành nghề kế toán nhưng không đủ điều kiện…)
Để hiểu rõ và đầy đủ về nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp cần đọc và nghiên cứu Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/09/2013 của Chính phủ. Vậy sác sai sót được quy định và mức phạt cụ thể của từng trường hợp mà tôi trích dẫn ra từ nghị định 105 như sau:

  • Điều 7. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về chứng từ kế toán

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi ký chứng từ kế toán không đúng với quy định về vị trí chữ ký của các chức danh đối với từng loại chứng từ kế toán.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập chứng từ kế toán không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật về kế toán;
b) Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán;
b) Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký;
c) Ký chứng từ kế toán mà không có thẩm quyền ký hoặc không được ủy quyền ký.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Giả mạo, khai man chứng từ kế toán;
b) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo, khai man chứng từ kế toán;
c) Lập chứng từ kế toán có nội dung các liên không giống nhau trong trường hợp phải lập chứng từ kế toán có nhiều liên cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
d) Không lập chứng từ kế toán khi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
đ) Lập nhiều lần chứng từ kế toán cho một nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
e) Hủy bỏ hoặc cố ý làm hư hỏng chứng từ kế toán.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu chứng từ kế toán đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, b Khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc phải hủy các chứng từ kế toán đã lập trùng lặp cho một nghiệp vụ quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều này.

  • Điều 8. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về sổ kế toán

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập sổ kế toán không đầy đủ các nội dung theo quy định như: không ghi tên đơn vị kế toán, tên sổ, ngày, tháng, năm lập sổ; ngày, tháng, năm khóa sổ; thiếu chữ ký của người lập sổ, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; không đánh số trang, không đóng dấu giáp lai giữa các trang trên sổ kế toán;
b) Ghi sổ kế toán không đầy đủ nội dung chủ yếu theo quy định;
c) Vi phạm các quy định về ghi sổ kế toán như ghi chồng lên nhau, ghi cách dòng; không gạch chéo phần trang sổ không ghi; không thực hiện việc cộng số liệu tổng cộng khi ghi hết trang sổ, không thực hiện việc chuyển số liệu tổng cộng trang sổ trước sang đầu trang sổ kế tiếp;
d) Không đóng thành quyển sổ riêng cho từng kỳ kế toán và thực hiện các thủ tục pháp lý sau khi in sổ ra giấy trong trường hợp thực hiện kế toán trên máy vi tính.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Mở sổ kế toán không theo đúng nguyên tắc chung của một trong các hình thức sổ kế toán theo quy định;
b) Ghi sổ kế toán không tuân thủ phương pháp quy định của chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán;
c) Ghi sổ, khóa sổ kế toán không kịp thời theo quy định;
d) Sửa chữa sai sót trên sổ kế toán không theo đúng phương pháp quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện việc mở sổ kế toán vào đầu kỳ kế toán năm hoặc từ ngày thành lập đơn vị kế toán;
b) Không có chứng từ kế toán chứng minh các thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán hoặc số liệu trên sổ kế toán không đúng với chứng từ kế toán;
c) Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm thực hiện không kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán năm trước liền kề hoặc sổ kế toán ghi không liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ;
d) Không thực hiện việc khóa sổ kế toán trong các trường hợp mà pháp luật về kế toán quy định phải khóa sổ kế toán;
đ) Không in sổ kế toán ra giấy sau khi khóa sổ trên máy vi tính đối với các loại sổ phải in theo quy định, hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in sổ.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Mở sổ kế toán ngoài hệ thống sổ kế toán chính thức của đơn vị;
b) Giả mạo sổ kế toán;
c) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo sổ kế toán;
d) Cố ý để ngoài sổ kế toán tài sản của đơn vị hoặc tài sản có liên quan đến đơn vị;
đ) Hủy bỏ trước hạn hoặc cố ý làm hư hỏng sổ kế toán.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu sổ kế toán đối với vi phạm quy định tại Điểm a, b, c Khoản 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc phải khôi phục lại sổ kế toán đối với các vi phạm quy định tai Điểm đ Khoản 4 Điều này.

  • Điều 9. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về tài khoản kế toán

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hạch toán không theo đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán;
b) Sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc mở thêm tài khoản kế toán trong hệ thống tài khoản kế toán cấp I đã lựa chọn mà không được Bộ Tài chính chấp nhận.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không áp dụng đúng hệ thống tài khoản kế toán quy định cho ngành và lĩnh vực hoạt động của đơn vị;
b) Không thực hiện đúng hệ thống tài khoản đã được Bộ Tài chính chấp thuận.

  • Điều 10. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập báo cáo tài chính hoặc lập báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định;
b) Lập và trình bày báo cáo tài chính không đúng phương pháp; không rõ ràng; không nhất quán theo quy định;
c) Nộp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 01 tháng đến 03 tháng theo thời hạn quy định;
d) Công khai báo cáo tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định, gồm: Quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước năm và các khoản thu chi tài chính khác; tình hình tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu, kết quả hoạt động kinh doanh, trích lập và sử dụng các quỹ, thu nhập của nguời lao động;
đ) Công khai báo cáo tài chính chậm từ 01 tháng đến 03 tháng theo thời hạn quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm quá 03 tháng theo thời hạn quy định;
b) Lập báo cáo tài chính không đúng với số liệu trên sổ kế toán và chứng từ kế toán;
c) Giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính;
d) Thỏa thuận hoặc ép buộc người khác giả mạo báo cáo tài chính, khai man số liệu trên báo cáo tài chính;
đ) Cố ý, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật;
e) Thực hiện việc công khai báo cáo tài chính chậm quá 03 tháng theo thời hạn quy định;
g) Thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật;
h) Nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng vi phạm quy định tại Điểm b, c, d, đ, g Khoản 2 Điều này;
b) Tịch thu báo cáo tài chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, c, d, đ Khoản 2 Điều này.

  • Điều 12. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa tài liệu kế toán vào lưu trữ chậm quá 12 tháng so với thời hạn quy định;
b) Lưu trữ tài liệu kế toán không đầy đủ theo quy định;
c) Bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng tài liệu kế toán trong thời hạn lưu trữ không đúng quy định;
b) Không thực hiện việc tổ chức kiểm kê, phân loại, phục hồi tài liệu kế toán bị mất mát hoặc bị hủy hoại.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hủy bỏ tài liệu kế toán khi chưa hết thời hạn lưu trữ theo quy định;
b) Tiêu hủy tài liệu kế toán không thành lập Hội đồng tiêu hủy, không thực hiện đúng phương pháp tiêu hủy và không lập biên bản tiêu hủy theo quy định.

  • Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê theo quy định;
b) Không xác định nguyên nhân chênh lệch; không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán vào sổ kế toán.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản vào cuối kỳ kế toán năm hoặc không thực hiện kiểm kê tài sản trong các trường hợp khác theo quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi giả mạo, khai man kết quả kiểm kê tài sản.

  • Điều 14. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê làm kế toán

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức bộ máy kế toán; không bố trí người làm kế toán hoặc không thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán làm kế toán theo quy định;
b) Bố trí người làm kế toán mà pháp luật quy định không được làm kế toán;
c) Bố trí người làm kế toán không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
d) Thuê tổ chức, cá nhân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề kế toán hoặc không đăng ký kinh doanh theo quy định, cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bố trí người có trách nhiệm quản lý, điều hành đơn vị kế toán kiêm làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ hoặc mua, bán tài sản trừ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể;
b) Bố trí người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định;
c) Thuê người làm kế toán trưởng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

  • Điều 15. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề kế toán

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hành nghề kế toán nhưng không đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán;
b) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không có Chứng chỉ hành nghề kế toán;
c) Hành nghề kế toán không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định nhưng vẫn cung cấp dịch vụ kế toán;
d) Cá nhân hành nghề kế toán nhưng không có Chứng chỉ hành nghề kế toán;
đ) Nhận làm thuê kế toán khi là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người có trách nhiệm quản lý điều hành, kể cả Kế toán trưởng của đơn vị kế toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính hoặc không đủ năng lực chuyên môn hoặc nhận làm thuê kế toán khi đơn vị kế toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ kế toán;
e) Cho thuê, cho mượn Chứng chỉ hành nghề kế toán.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán đối với người hành nghề kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán từ 01 tháng đến 03 tháng vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, c, d, đ, e Khoản 1 Điều này.

  • Điều 55,56:Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về kế toán:

-    Thanh tra viên tài chính;
-    Tránh thanh tra Bộ Tài chính;Chánh thanh tra Sở Tài chính 
-    Ủy ban nhân dân các cấp;
-    Không có cơ quan thuế;

KẾT LUẬN:
– Công chức Thuế khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (theo quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế) phát hiện người nộp thuế vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thì thực hiện lập biên bản về việc vi phạm chế độ kế toán và chuyển cơ quan tài chính để kiến nghị xử lý vi phạm
– Cơ quan thuế không có thẩm quyền phạt trong trường hợp hạch toán sai chế độ kế toán, cũng như sai chế độ sổ sách kế toán khi kiểm tra phát hiện doanh nghiệp có biểu hiện làm sai, thẩm quyền phạt vi phạm được chuyển sang cho cơ quan chức năng khác để xử lý
–Khi thanh kiểm tra thuế thì các bạn kế toán cũng nên biết đối tượng đủ pháp lý và thẩm quyền phạt trong trường hợp này

Hy vọng, qua bài viết này các bạn làm kế toán lưu ý để làm đúng hơn, và biết được những điều cơ quan thuế không được xử phạt kế toán khi kế toán vi phạm chế độ kế toán. Các bạn bỏ thời gian ra đọc thêm nghị định 105

Tham khảo CV 4717/TCT-TTr của tổng cục thuế ngày 10/11/2015  về xử lý vi phạm chế độ kế toán

 

Download nghị định 105

LIÊN HỆ VỚI TÔI
Hotline hỗ trợ: 0914.540.423
Facebook (Hải Bùi): https://www.facebook.com/hai.bui.526
Group Facebook: tự học kế toán và thuế
Fanpage: https://www.facebook.com/tuhocketoanvathue/
Youtube: tự học kế toán
Email: buitanhai1610@gmail.com
Website bán sách tự học kế toán: www.sachketoan.org


 

TOP