NHÌN VÀO BÁO CÁO TÀI CHÍNH. SỔ SÁCH VÀ CHỨNG TỪ, NẾU CÓ NHỮNG DẤU HIỆU SAU THÌ BIẾT CÔNG TY CÓ KHẢ NĂNG HỆ THỐNG 2 SỔ.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 13 của Luật kế toán 2015 có quy định như sau: Điều 13. CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM: “10. Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.”
Dưới đây tôi đưa ra vài cách nhìn nhận về báo cáo tài chính, sổ sách cũng như chứng từ của Cty có những dấu hiệu sau thì khả năng Cty làm hệ thống 2 sổ là rất cao. Nhắc lại có rất nhiều dấu hiệu, nhưng bên dưới là vài dấu hiệu mà tôi đưa ra để các bạn xem xét, trong đi làm các bạn sẽ biết còn những dấu hiệu nào nữa thì các bạn bổ sung thêm…
- Cty không có thủ quỹ mà thủ quỹ là Sếp luôn. Sếp luôn ở đây là Bà chủ hoặc Ông chủ. Không thấy két sắt và cũng không mở sổ quỹ theo dõi. Hoặc cao lắm là thủ quỹ là kế toán luôn nhưng chỉ giao quỹ vặt. (Tức là chi tiêu những khoản nhỏ trong Cty, trả tiền rác, tiền mua vật tư, phụ tùng, tiền vpp…)=> Cty mà không mở sổ theo dõi sổ quỹ là thấy sai sai rồi. Vì Kế toán sẽ không biết ai để mà đối chiếu số liệu tiền mặt trên số kế toán là đúng hay sai (vì nếu kế toán là thủ quỹ nhưng tiền kế toán đang giữ là tiền vặt rất ít. Trong khi tiền mặt trên số kế toán là 1 con số rất lớn vì góp vốn ảo).
- Nhìn sổ cái tài khoản 111 hàng tháng. Lượng tiền còn tồn hàng ngày (Các bạn tính ra được) luôn rất lớn mà doanh nghiệp vẫn đi vay ngân hàng với số tiền vay ngân hàng nhỏ hơn tiền mặt còn tồn hàng ngày => Dẫn đến có thể tiền mặt là tiền ảo=> MUỐN BIẾT ẢO HAY KHÔNG KIỂM KÊ LÀ BIẾT
- Có những nghiệp vụ Nợ 1111 Có 1121 một số tiền rất lớn và Sếp lấy tiền đó đi đâu làm gì kế toán cũng không rõ (Kế toán cứ hạch toán như vậy. Vì bản chất là Sếp lấy tiền để mua bất động sản đứng tên cá nhân của Sếp mà không ghi vào sổ sách Cty dẫn đến tiền mặt còn rất nhiều nhưng vẫn đi vay). Và số tiền mặt này cứ tăng đều theo từng năm.=> Kiểm kê sẽ phát hiện tiền mặt trên sổ là tiền ảo
- Có những nghiệp vụ nộp tiền mặt vào ngân hàng nợ 1121 có 1111 rất lớn (Mà phiếu chi của những nghiệp vụ này là không có chữ ký của người nhận tiền). Sau đó chuyển khoản trả cho nhà cung cấp liền trong cùng ngày với ngày nộp tiền vào ngân hàng mà những nhà cung cấp này không phải là nhà cung cấp nguyên liệu, hàng hóa thường xuyên cho doanh nghiệp. Mà thường tiền này là tiền nhà cung cấp bán hóa đơn cho Cty đưa cho Cty để cty trả tiền lại cho nhà cung cấp…..hoặc có thể là tiền của Giám đốc đưa cho nhân viên Cty nộp vào tài khoản ngân hàng để sau đó trả tiền nhà cung cấp và nhận ngay từ sec rút tiền từ nhà cung cấp để nhận lại tiền
- Tài khoản HÀNG TỒN KHO (152;155;156) luôn tăng theo từng năm.
- Thứ nhất là: 155;156 là tăng theo từng năm và có những mặt hàng tồn kho không biến động, năm nay qua năm khác vẫn vậy=> Khả năng là bán hàng mà không xuất hóa đơn hoặc là có mua hóa đơn đầu vào (Mua khống hóa đơn tức là hàng hóa không có thực) để khấu trừ khống VAT đầu vào=> Dẫn đến là sổ sách 155,156 còn mà thực tế không còn=> KIỂM KÊ LÀ PHÁT HIỆN RA
- Thứ hai là :152 cũng tăng theo từng năm, tức là có thể mua nguyên liệu vào có thực và có hóa đơn nhưng khi xuất nguyên liệu ra sản xuất không theo nguyên liệu thực tế xuất ra sản xuất mà xuất nguyên liệu ra sản xuất dựa vào số lượng sản phẩm bán ra trong kỳ kết hợp định mức để tính ra nguyên liệu xuất ra sản xuất (tức là số lượng nguyên liệu thực tế xuất ra sản xuất nhiều hơn nhiều so với cách tính định mức như trên. Vì sản phẩm sản xuất ra trong tháng bao giờ nó cũng phải lớn hơn số lượng sản phẩm bán ra trong kỳ). HOẶC CÓ THỂ trong kỳ có đi mua hóa đơn nguyên liệu đầu vào (tức là thực tế không có mua nguyên vật liệu mà chỉ mua hóa đơn mà thôi để kê khống khấu trừ VAT đầu vào tức là trên số có hạch toán nợ 152 mà thực tế không có nhập kho).=>Dẫn đến là sổ sách 152 còn mà thực tế trong kho không còn=> KIỂM KÊ LÀ PHÁT HIỆN RA
- Nhìn vào tài khoản 154 Cty sản xuất nhưng không có số dư cuối kỳ (cuối mỗi tháng)=> Suy ra Cty này kế toán đang làm là dựa vào số lượng sản phẩm bán ra trong kỳ để tính ngược lại định mức tiêu hao nguyên liệu sản xuất ra=> Phỏng vấn và thực tế xuống xưởng xem quy trình sản xuất là phát hiện ra ngay, luôn luôn có sản phẩm dở dang nằm trên dây chuyền
- Phỏng vấn người làm kế toán quy trình tính giá thành mà người làm kế toán nói là: Kế toán tính giá thành dựa vào hóa đơn đầu ra mỗi tháng xuất bán ra, Kết hợp định mức nguyên liệu làm ra sản phẩm để tính ngược lại chi phí nguyên liệu 621 xuất ra trong kỳ. Nên toàn bộ thành phẩm làm ra bán hết trong tháng nên 155 không còn số dư.. Nhưng xuống kho quan sát thì thành phẩm chất đầy kho
- Tại Công ty sản xuất xuống xưởng thì thấy công nhân tầm 50-70 người, nhưng trên bảng lương tầm 5-15 người. Tức là có nhiều công nhân công ty không đóng BHXH cho họ nên kế toán bỏ ngoài sổ sách không hạch toán chi phí nhân công này=> Dẫn đến nhiều vấn đề sai theo như giá thành sai, sản phẩm làm ra cũng không đúng theo thực tế (Vì kế toán đã bỏ bớt nhân công thì họ sẽ bỏ bớt nguyên liệu sản xuất ra, trong khi chi phí tiền điện thì lại tăng vì sản xuất ra số lượng thực tế nhiều hơn nhưng hạch toán nhập kho thành phẩm trên sổ thì ít hơn so với thực tế=> dẫn đến nhiều bất cập chỗ này)
- Nhìn vào tài khoản 341 hoặc 3388 thường thấy là MƯỢN HOẶC VAY BẰNG TIỀN MẶT CỦA CÁ NHÂN là chính=> Thường là vay của giám đốc với lãi suất là 0%.=> Thường Cty có tiền mặt trên sổ sách bị âm nên hay đi vay của Giám đốc để làm cho tiền không bị âm (Chiêu này ai cũng biết)=> Các bạn có thể hình dung là Cty cổ phần hoặc Cty TNHH 2 thành viên mà 2 thành viên này là những người bạn với nhau góp vốn làm ăn chung thì không thể nào mà cho vay không tính lãi được (Tiền để không ngân hàng cũng còn có lãi)
- Nhìn vào tài khoản 1388 mà đối ứng với tài khoản 411. Sau đó có nghiệp vụ là Nợ 1111 Có 1388 (Thu tiền góp vốn của Giám đốc). Rồi sau đó có nghiệp vụ là Nợ 1388 Có 1111 (Cho Giám đốc mượn tiền). Rồi sau đó Cty là đi vay ngân hàng.=> NGHIỆP VỤ NÀY GỌI LÀ NGHIỆP VỤ GÓP VỐN ẢO
(Hoặc có thể nghiệp vụ góp vốn ảo trực tiếp bằng tiền mặt Nợ 1111 Có 4111.Sau đó do không có tiền nên phải vay ngân hàng, kế toán làm nghiệp vụ nợ 1388 Có 1111 cho Giám đốc mượn tiền. Sau đó đi vay ngân hàng.).
Mục đích của việc làm này để nói là Cty đã góp đủ vốn điều lệ và chi phí lãi vay sẽ được thuế chấp nhận là chi phí được trừ khi đi vay (NHƯNG CÁC BẠN ĐÃ NHẰM, THUẾ BIẾT HẾT VỚI NHỮNG NGHIỆP VỤ ẢO CỦA CÁC BẠN. NHÌN VÀO SỔ SÁCH 1388 THẤY TÀI KHOẢN ĐỐI ỨNG tài khoản 1111 và 4111 LÀ SẼ BIẾT LIỀN).
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thuê dịch vụ kế toán làm (Kể cả thuê Cty dịch vụ kế toán hoặc đại lý thuế và thuê cá nhân không đủ chức năng để làm dịch vụ). Và tại Cty của họ luôn có 1 kế toán gọi là KẾ TOÁN NỘI BỘ. Trong luật kế toán KHÔNG CÓ ĐỊNH NGHĨA NÀO GỌI LÀ KẾ TOÁN NỘI BỘ mà chỉ có kế toán tài chính và kế toán quản trị mà thôi. Vậy kế toán nội bộ là làm những gì (Các bạn biết rồi đúng không? Kế toán nội bộ là theo dõi chứng từ thực tế của Cty và không xuất trình, chứng từ sổ sách cho cơ quan thuế. Còn kế toán thuế mà Cty đang tuyển hoặc thuê bên ngoài làm dịch vụ với mục đích cuối cùng là tối ưu hóa số thuế phải nộp cho nhà nước)
- Cty mà có những hợp đồng dịch vụ kế toán làm lại sổ sách kế toán trong 2-3 năm. Tức là làm lại sổ sách thì các bạn biết rồi, một khi làm lại thì chắc chắn sẽ là nộp lại báo cáo tài chính và nộp lại tờ khai thuế bổ sung, sau đó là nộp phạt, nộp thuế bổ sung… . Nhưng không giải thích được nguyên nhân chênh lệch số liệu giữa báo cáo tài chính đã nộp trước đó với báo cáo tài chính làm lại.
- Cty không phát sinh chi phí thuê nhà mà thường có hợp đồng mượn nhà. Hoặc nếu phát sinh chi phí thuê nhà thì hợp đồng thuê nhà ghi giá cho thuê là từ 100 triệu đồng/năm để không phải nộp thuế TNCN và GTGT (Nhưng giá thị trường của căn nhà cho thuê thường rất cao). Thường Cty sẽ làm 2 hợp đồng thuê nhà. 1 cái giá thực tế và 1 cái là giá từ 100 triệu/năm. Trên đời không có ai cho không ai cái gì cả. Nên trường hợp này nếu thuế xuống kiểm tra thì khả năng truy thu thuế TNCN và GTGT của cho thuê nhà là rất cao. Vì giá cho thuê không theo giá thị trường nên thuế sẽ áp giá thị trường
- Chứng từ của Cty toàn là hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn đặc thù mà không thấy bất kỳ 1 hóa đơn bán lẻ nào cả. Cứ xem lĩnh vực Công ty các bạn sẽ biết 1 cty hoạt động thì không thể nào chỉ có duy nhất hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn đặc thù được (Vấn đề này các bạn thường thấy nhất là Các Cty dịch vụ kế toán hoặc cá nhân làm dịch vụ kế toán hay làm cho doanh nghiệp, doanh nghiệp thường chỉ cung cấp hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng cho người làm dịch vụ làm). Và các bạn quan niệm là cái nào không có hóa đơn thì bỏ ra ngoài chứ ghi vào sổ làm gì nữa, vì ghi vào thuế cũng không chấp nhận thì ghi vào làm gì
- Chứng từ ghi sổ kẹp thường là phiếu chi, phiếu thu thiếu chữ ký của những người có liên quan rất nhiều ví dụ như phiếu chi, phiếu thu mà
+Không có chữ ký THỦ QUỸ và không có chữ ký của NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT.
+Hoặc người ký thủ quỹ là Giám đốc luôn,
+Hoặc người ký thủ quỹ đồng thời là người lập phiếu chính là kế toán luôn (Mà kế toán này là cá nhân thuê bên ngoài mà trên bảng lương không có tên của người này). Người này sẽ nói là làm dùm cho Cty do quen biết.
- Chứng từ gốc kèm theo phiếu nhập kho và phiếu xuất kho không đầy đủ, nếu có thì rất rời lạc không đầy đủ có lúc có lúc không (Ví dụ như không có biên bản bản giao hàng hóa khi tiếp nhận giữa thủ kho và bên bán hàng…). Phiếu nhập kho không đầy đủ chữ ký của những người có liên quan (Thiếu chữ ký của thủ kho…). Không biết thủ kho là ai luôn. Thường Cty mà bài bản sẽ có quy trình nhập kho rất đầy đủ từ lúc đặt hàng cho đến lúc kiểm tra hàng trước khi cho nhập kho thì phải có những chứng từ nào.
- Thường lưu chứng từ để phục vụ cho việc nộp tờ khai thuế GTGT (tức là Lưu HÓA ĐƠN ĐẦU VÀO theo Bảng kê mua).Phiếu thu và Phiếu chi lưu riêng mà không lưu chung với chứng từ gốc (Hóa đơn, biên bản bàn giao). Nói chung toàn bộ là lưu riêng từng loại chứng từ (Hóa đơn lưu riêng, biên bản bàn giao lưu riêng, phiếu chi lưu riêng , phiếu nhập , phiếu xuất lưu riêng…) mà không lưu theo từng bản chất 1 nghiệp vụ (Tức là 1 nghiệp vụ phát sinh thì nhìn vào bộ chứng từ thì chúng ta hiểu từ đầu đến cuối của nghiệp vụ đó luôn chứ không phải lưu rời lạc như trên. Lưu bộ chứng từ đầy đủ gồm chứng từ ghi sổ sắp trước và chứng từ gốc sắp theo sau và theo trình tự thời gian).
- Cty chuyên về nhập khẩu hàng hóa để bán lại hoặc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nhưng không thấy những chi phí chi ngoài liên quan đến thủ tục nhập hàng mà thay vào đó toàn là hóa đơn xăng, dầu và hóa đơn vận chuyển….
- Hạch toán chi phí mà chỉ có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng thôi mà không hề có chứng từ gốc kèm theo giải thích cho việc vì sao có hóa đơn đó. Ví dụ có Hóa đơn GTGT là xăng nhưng không có nhật ký của xe để kiểm soát về lộ trình đi, không có bảng định mức xăng xe để kiểm soát. Hóa đơn vận chuyển nhưng không biết vận chuyển về vấn đề gì từ đâu đến đâu và vì sao ra đơn giá đó, đoạn đường đi (nói chung là vấn đề giải thích vì sao có hóa đơn đó là không có)=> THUẾ ĐƯA VÀO DIỆN NGHI NGỜ MUA HÓA ĐƠN
- Những khoản chi phí mà Cty nào cũng có thể mua hóa đơn để tăng chi phí được (Ví dụ Chi phí xăng xe, chi phí ăn uống, chi phí vận chuyển… trung bình 1 tháng cứ đều đều bao nhiêu tiền đó ---Ví dụ tầm 15- dưới 20 triệu) vào tầm giữa tháng và cuối tháng của 1 hoặc 2 nhà cung cấp thường xuyên, nhưng không biết giải thích lý do vì sao để có những chi phí như vậy khi thuế hỏi
+ Ví dụ Chi phí ăn uống: Cty ở Quận 1 mà luôn có hóa đơn ăn uống ở tận Bình Dương mà Cty không có khách hàng nào ở Bình Dương
+Ví dụ Chi phí xăng xe: Làm hợp đồng mượn xe của ai đó (mà thực chất là không có xe, cho dù có cavet xe) để lấy chi phí xăng xe nhưng không có nhật trình xe để quản lý chi phí xăng xe khi thuế yêu cầu thì không biết giải trình sao luôn. Chi phí đi công tác có vé máy bay nhưng thấy có nhiều người không có trong bảng lương (Tức là không phải nhân viên của Cty mà là người nhà của Sếp. Đây thực chất là chi phí gia đình Sếp đi du lịch mà lấy hóa đơn về Cty….). Hoặc Cty vận chuyển hành khách, hàng hóa Cty lấy hóa đơn xăng vượt định mức cho phép (Ví dụ trung bình 1 tháng xe 45 chỗ ngồi chạy 10.000 Km tốn 2.000 lít xăng nhưng trong kỳ đơn vị lấy hóa đơn xăng là 2.500 lít chênh lệch 500 lít không biết giải thích sao). Các bạn lưu ý những Cty nào mà có sử dụng định mức tiêu hao nhiên liệu và vật liệu thì để ý chỗ này.
+Ví dụ Chi phí vận chuyển: Cty đã có xe vận chuyển nhưng Cty vẫn có hóa đơn vận chuyển hàng hóa cho khách hàng (nhưng không có hợp đồng giao kết 2 bên hay biên bản nghiệm thu bàn giao hàng hóa cho khách hàng, trên hóa đơn chỉ ghi đơn thuần là chi phí vận chuyển bao nhiêu tiền đó…)
- Biết quy định của thuế là cho phép chi phí tiền đồng phục bằng tiền mặt không quá 5 triệu/người/năm. Nên Cty tính ra số người thực tế trên bảng lương và hạch toán chi phí tiền đồng phục bằng tiền mặt là 5 triệu/người /năm. Các bạn có hình dung ra chưa. Không có Cty nào mà chi tiền đồng phục 5 triệu/người/năm cả rất nhiều tiền. Cty ra kinh doanh là tối ưu hóa chi phí nên họ sẽ may đồng phục và có hóa đơn đầy đủ thì hợp lý hơn. Hoặc có thể nhìn thấy là chi tiền đồng phục nhưng khi thuế quyết toán thì không thấy ai mặc đồng phục cả hoặc có thể phỏng vấn trực tiếp nhân viên cũng sẽ biết được đều này là tiền đồng phục 5 triệu/người/năm có thiệt hay không
- Những Cty mà giá bán của mặt hàng đó không niêm yết giá và thường bán cho người tiêu dùng hoặc hộ cá nhân kinh doanh mà không lấy hóa đơn đầu vào. Cùng 1 mặt hàng nhưng Bán cho mỗi khách hàng với mỗi giá khác nhau . Và thường giá bán cao hơn giá thành rất ít để lời ít? Dẫn đến tỷ lệ lãi gộp không theo lãi gộp của ngành, thường rất thấp và thấp hơn lãi gộp của ngành. YÊU CẦU KHÁCH HÀNG CUNG CẤP BẢNG TÍNH DOANH THU VÀ GIÁ VỐN CỦA TỪNG MẶT HÀNG TRONG VÀI THÁNG SẼ THẤY. Lập bảng Excel so sánh giá bán của cùng mặt hàng đó trong vài tháng sẽ thấy giá không thống nhất trong cùng 1 tháng…Rất khó giải thích vì sao bán giá đó
- Cty thường thuê dịch vụ kê toán là cá nhân làm . Và cá nhân này có nhận tiền công nhưng không hạch toán trong sổ sách kế toán (Vì sợ đóng thuế TNCN). Và cá nhân này không có trong danh sách bảng lương nhưng vẫn ký tên trên chứng từ
- Trên Bảng lương toàn bộ nhân viên nhận bằng tiền mặt. Và các khoản phụ cấp (Tiền cơm, tiền điện thoại, tiền xăng …các vị trí khác nhau nhưng mức phụ cấp là giống nhau cho toàn bộ nhân viên). Doanh nghiệp hay bùa những khoản phụ cấp mà không phải đóng BHXH, và không chịu thuế TNCN.
+ Trên bảng lương thường có khoản phụ cấp theo doanh số cho tất cả các vị trí hoặc là có khoản phụ cấp theo mức độ hoàn thành công việc tháng. (Nhưng quy chế tính lương, thưởng lại không có quy định rõ ràng về vấn đề này). Kết hợp với hợp đồng lao động thì các bạn sẽ thấy rõ vấn đề này. Chữ ký nhận bằng tiền mặt giữa các tháng giữa các nhân là không giống nhau giữa các bảng lương và trên hợp đồng lao động
+Thường Cty sẽ hạch toán vào trả lương vào cuối mỗi tháng luôn mà không để tháng sau cho nó gọn. (Rất ít công ty nào trả lương vào cuối mỗi tháng mà phải trả từ 1-10 của tháng sau)
+Cty thấy có phòng nhân sự và phỏng vấn phòng nhân sự thì được biết là phòng nhân sự tính lương nhưng trên bảng lương thì không thấy chữ ký của phòng nhân sự
- Cty là Cty sản xuất nhưng trên bảng lương thì số người tham gia BHXH mà công nhân thì rất ít. Những người công nhân còn lại làm việc nhưng không ký hợp đồng lao động thời vụ và bỏ ngoài sổ tiền lương của những người này. Và trường hợp không đóng bhxh cho nhân viên Cty thường xảy ra rất nhiều.=> Vậy là bỏ ngoài sổ sách thì hệ thống 2 sổ rồi còn gì
- Trên bảng lương thấy những người có quan hệ với Sếp với mức lương là nhỏ hơn 9 triệu để không phải đóng thuế TNCN. Mặt dù lớn tuổi, ngoài độ tuổi lao động (Ví dụ ba giám đốc. mẹ giám đốc…), những người này có trên bảng lương mà thực tế không có làm việc=> VẬY LÀ 2 SỐ RỒI CÒN GÌ
- Trên bảng lương các bạn sẽ thấy Cty không muốn đóng thuế TNCN nên để bảng lương từ Giám đốc đến nhân viên lương từ 9 triệu trở xuống (Nhưng lương thực thì lớn hơn rất nhiều trên bảng lương này hoặc nhỏ hơn tùy theo mỗi người)=> Các bạn phỏng vấn là các bạn sẽ biết là bảng lương giả rồi=> VẬY LÀ 2 SỐ RỒI CÒN GÌ
- Cty không hạch toán kịp thời sổ sách theo từng tháng để nộp thuế TNDN tạm tính theo hàng quý mà thường nộp thuế TNDN tạm tính hàng quý (tính nộp 4 quý) là rơi vào tháng 1 của năm sau. Mục đích là công ty muốn cân đối doanh thu và chi phí (Vì cuối năm mới nộp báo cáo tài chính và quyết toán thuế).=> Vậy các bạn suy nghĩ đi vì sao Cty không hạch toán kịp thời, bởi vì lý do rất đơn giản thứ nhất là có thuê dịch vụ kế toán mà nhân viên dịch vụ kế toán thì làm nhiều Cty họ không thể nào mà hạch toán kịp thời được, hoặc thứ hai là nếu Cty mà có kế toán thuế làm thì họ cũng sẽ cân đối doanh thu và chi phí cuối năm nên họ cũng không có nộp thuế TNDN hàng quý mà họ cũng đợi nộp vào tháng 1 của năm sau
- Những khoản chi phí bất thường vào cuối năm hoặc cuối mỗi tháng mà số tiền lớn thường là những khoản chi phí mà Cty mua hóa đơn để cân đối doanh thu và chi phí
- Cty hay có những nghiệp vụ rất lạ (Ví dụ như khách hàng đã chuyển khoản ghi rõ trả tiền hàng vào Cty, nhưng Cty không xuất hóa đơn, làm nghiệp vụ trả tiền lại cho khách hàng do chuyển khoản nhằm)
- Có những khoản phải thu khách hàng nằm số dư bên có thời gian rất lâu. Lý do là khách hàng đã trả tiền mà không chịu xuất hóa đơn, cứ để kéo dài qua nhiều năm
- Các bạn chịu khó để ngày giữa các chứng từ với nhau. Về ngày tháng năm giữa các chứng từ trong cùng 1 nghiệp vụ nhiều khi không logic với nhau. Chứng từ gốc in ra , do không cẩn thận nên in trên mảng xuống và sửa không hết câu từ trong chứng từ nên dẫn đến nhiều trường hợp bất ngờ…
- …………………………..Và còn rất nhiều trường hợp nữa
Hậu quả của việc làm 2 sổ
- Bản chất của việc làm 2 sổ là để TRỐN THUẾ. Nếu thuế phát hiện ra thì khả năng hình sự là có. Vì theo quy định trốn thuế từ 100 triệu trở lên là đã phạt theo Luật hình sự (Điều 200 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015).
- Công việc kế toán sẽ nhiều ra vì phải ghi 2 sổ và ghi 2 lần. Làm cho kế toán rất mệt mỏi vấn đề phải làm sao để lấy hóa đơn để tăng chi phí nhằm đóng thuế ít nhất
- Tiếp theo là khi Công ty mà đã lớn thì không thể quản trị được bằng sổ thực tế nữa vì nghiệp vụ quá nhiều, lúc này bộ mấy kế toán sẽ phình to ra, lúc này số liệu kề toán là để phục vụ quản trị nên tư duy sẽ thay đổi làm 1 sổ. Khi làm lại 1 sổ thì rất vấn xử lý sẽ mất rất nhiều thời gian. Có thể nhờ đơn vị thứ 3 để tư vấn
- Làm 2 sổ dẫn đến vấn đề đi vay ngân hàng cũng sẽ rất khó khăn. Vì hệ thống sổ thực là có lãi nhưng không làm được báo cáo tài chính (Vì các bạn đang theo dõi theo những file excel để quản trị nội bộ tại Cty của các bạn như báo cáo thu chi, báo cáo công nợ phải thu, phải trả, hàng tồn kho…mà không hề hạch toán nợ có)=> Dẫn đến vấn đề lập báo cáo tài chính là không thể=> Mà sổ phục vụ cho thuế thì là báo cáo tài chính lỗ=> Dẫn đến không vay ngân hàng nên Doanh nghiệp bùa thêm 1 sổ khác là có lãi và các chỉ số tài chính theo yêu cầu của ngân hàng và đóng mộc tròn của Cty để gửi cho ngân hàng (Tùy theo ngân hàng, có ngân hàng phải yêu cầu kiểm toán độc lập)=> Lúc này thì doanh nghiệp mới thấy được vấn đề là làm 2 sổ thì gặp rất nhiều trở ngại (Nên doanh nghiệp muốn vay ngân hàng nên doanh nghiệp hay mua dấu của Cty kiểm toán)
- Rất khó kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào Cty. Vì để được nhà đầu tư đầu tư vào thì phải minh bạch tài chính. Nên không thể nào mà trình bày với nhà đầu tư hiện tại là Cty đang làm 2 sổ thì nhà đầu tư có đầu tư không?
XEM GIỚI THIỆU SÁCH CÁCH LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH
LIÊN HỆ VỚI TÔI
Hotline hỗ trợ: 0914.540.423
Facebook (Hải Bùi): https://www.facebook.com/hai.bui.526
Group Facebook: tự học kế toán và thuế
Fanpage: https://www.facebook.com/tuhocketoanvathue/
Youtube: tự học kế toán
Email: buitanhai1610@gmail.com
Website bán sách tự học kế toán: www.sachketoan.org